I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG 19/08/2024
Thứ 6 tuần trước đã khép lại với sự bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản, VNIndex đóng cửa ở mức 1,252.23 điểm (tăng 28.67đ) với thanh khoản lớn, giá trị giao dịch gấp đôi trung bình (23k tỷ đồng).
Nhìn lại quá khứ, VNIndex trải qua 8 phiên giao dịch với nỗ lực phục hồi về giá, nhưng thanh khoản duy trì mức thấp, giá trị giao dịch chỉ từ 11k - 13k tỷ mỗi phiên. Đây là quá trình hấp thụ lực cung khi phục hồi lên trên ngưỡng 1230 điểm. Kết phiên thứ sáu tuần trước về cơ bản thị trường đã vượt qua cửa ải test cung vùng 1230 thành công khi lực bán không đáng kể.
Chứng khoán và Bất động sản là 2 nhóm ngành tăng dẫn dắt thị trường chung, thu hút sự quan tâm của đông đảo quý NĐT khi nhiều mã đóng cửa mức trần kèm theo khối lượng lớn, còn lại cũng đa số tăng mạnh. Lý do bởi đây là 2 ngành nổi bật nhất khi chứng khoán đại diện cho tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư, BĐS đã liên tục phá đáy rũ bỏ cũng đã đánh dấu sự quay trở lại trong bối cảnh thị trường đất nền các tỉnh bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại.
II. CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH
Về mặt kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm mạnh. Tín hiệu xuất hiện phiên bùng nổ theo đà (FTD) với nến tăng dài kèm khối lượng tăng mạnh cho thấy lực cầu tốt, tuy nhiên phiên FTD vẫn có khả năng thất bại, cần theo dõi tín hiệu trong một vài phiên tới. Sau phiên tăng này tỷ lệ cổ phiếu quá mua đã tăng lên mức cao, đồng thời chỉ số vẫn bị cản bởi vùng cung 1230-1250. Nếu xuất hiện các phiên bị bán trở lại với khối lượng cao trong vùng này thì nhịp hồi có thể kết thúc. Đối với HNX-Index, chỉ số cũng có phiên tăng mạnh với khối lượng cao, cho khả năng có thể còn tiếp tục hồi. Vùng cung cần chú ý ở 240-246.
Chiến lược chung nên theo dõi thêm tín hiệu một vài phiên tới sau phiên bùng nổ này. Nếu không có phiên nào bị bán mạnh trở lại thì thị trường sẽ có cơ hội quay lại xu hướng tăng, khi đó có thể canh gia tăng tỷ trọng cổ phiếu; trường hợp ngược lại, nên tiếp tục đứng ngoài với tỷ trọng thấp.
III. CÁC CỔ PHIẾU ĐÁNG CHÚ Ý
KDH - CPCP ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH NHÀ KHANG ĐIỀN
KDH có phiên tăng mạnh gần 5% với khối lượng giao dịch đột biến hơn gấp 3 lần, Phiên thứ sáu tăng điểm vượt MA100.
Khuyến nghị canh mua - KDH
Vùng mua: Vùng 36.2 - 36.7
Stoploss: Thủng 34.8
Take profit: Kỳ vọng vượt đỉnh
Giao dịch theo giá đóng cửa chart 1D
MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội
MBB có tín hiệu bật tăng tốt sau 8 phiên xây nền, biên độ nến nhỏ, khối lượng giao dịch giảm dần.
Khuyến nghị canh mua - MBB
Vùng mua: Mua khi giá < 24
Stoploss: Thủng 23.1 (-4%)
Take profit: Kỳ vọng vượt đỉnh cũ 25.4
Giao dịch theo giá đóng cửa chart 1D
IV. TIN TỨC TRONG NGÀY
Tin trong nước
FiinGroup: Ngân hàng phát hành hơn 136.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm, sẽ tiếp tục là nhóm phát hành nhiều nhất trong thời gian tới
Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023. Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành; trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỷ đồng, chiếm 21,54%. Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47%/năm trong 8 tháng 2024, giảm 0,66 điểm % so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm cho 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023. Cũng theo số liệu của FiinGroup, số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng. Dự báo về triển vọng thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
Giá cước vận tải biển hạ nhiệt, lượng hàng hóa qua cảng tăng kỷ lục
Cục Hàng hải cho biết, những ngày gần đây, giá cước vận tải biển liên tục giảm. Trung bình giá cước vận tải biển mỗi tuần đang giảm 3-4% và có xu hướng giảm dần, hiện tại so với tuần trước giá đã giảm khoảng 4%. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 501,117 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hàng container ước đạt 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 5,5%.
Nhu cầu chưa phục hồi, tồn kho lớn, ô tô còn giảm giá
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên 7 tháng đầu năm 2024 đạt 140.422 xe các loại, giảm 3% so với cùng kỳ 2023. Còn theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2024 đạt khoảng 230.000 xe các loại, tương đương với cùng kỳ 2023. Thị trường ô tô đang ở trong tình trạng “dẫm chân tại chỗ”, không có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung dư thừa nhiều. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, có khoảng 172.200 ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước được xuất xưởng và 91.585 xe nhập khẩu nguyên chiếc, đấy là chưa kể 65.000 xe tồn kho từ 2023 chuyển sang. Tổng nguồn cung lên tới 330.000 xe, trong khi tiêu thụ khoảng 230.000 xe, dư thừa 100.000 xe.
Nguồn: Cafef, Fireant