NHỮNG CHỈ SỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG
SỨC KHỎE TÀI CHÍNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NGÂN HÀNG
Ngân hàng là một tổ chức tài chính với ngành nghề kinh doanh đặc thù đó là nhận tiền gửi và thực hiện hoạt động cho vay (trực tiếp & gián tiếp) thông qua các thị trường vốn. Bởi tính chất quan trọng và quy mô hoạt động của ngành ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế đất nước, các ngân hàng đóng vai trò là huyết mach của mỗi một quốc gia. Đồng thời, các ngân hàng nhà nước và thương mại đều được giám sát chặt chẽ và tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của luật pháp. Vì vậy, khi phân tích bất kỳ ngân hàng nào, không chỉ nhìn vào con số lợi nhuận ròng, mà còn phải quan tâm đến một vài chỉ số - thứ mà đại diện cho sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Các chỉ số tài chính đặc thù như: (1) Chỉ số nợ xấu, (2) Chỉ số bao phủ nợ xấu (LLR), (3) Chỉ số ROE, (4) Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR), (5) Hệ số NIM, (6) CASA, (7) Tốc độ tăng trưởng huy động vốn, (8) Tốc độ tăng trưởng tín dụng và (9) Tỷ lệ an toàn vốn (CAR).
1. Chỉ số nợ xấu (NPL)
Chỉ số nợ xấu, Non-Performing Loan (viết tắt NPL) là thuật ngữ tài chính dùng để chỉ các khoản ngân hàng cho khách hàng vay nợ khó đòi nhưng khi đến hạn thu hồi, ngân hàng không thể đòi được do khách hàng làm ăn thua lỗ, đóng cửa dẫn đến mất khả năng thanh toán. Các khoản vay - dư nợ tín dụng được phân thành 5 nhóm, nhóm 3-5 được đánh giá là nợ xấu
Nợ đủ tiêu chuẩn
Nợ cần chú ý
Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ xấu)
Nợ nghi ngờ (nợ xấu)
Nợ có khả năng mất vốn (Nợ xấu)
Công thức tính chỉ số NPL:
Tỉ lệ nợ xấu = (Dư nợ nợ xấu / Tổng dư nợ) x 100%
Nghĩa là, cứ 100 đồng tổng dư nợ của tổ chức tin dụng thì có bao nhiêu đồng là nợ xấu. Hiện nay, theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ an toàn cho phép là dưới 3%.
Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 so với mục tiêu mà NHTW đề ra, nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 3%.
Cụ thể gồm: BaoViet Bank (4.79%), BVBank (3.77%), VIB (3.67%), ABBank (3.55%), Vietbank (3.43%), OCB (3.12%).
Còn lại duy trì chỉ số NPL dưới mức an toàn, lần lượt là: Eximbank (2.64%), PG Bank (2.61%), Nam A Bank (2.57%), Saigonbank (2.55%), Sacombank (2.43%), HDBank (2.1%), TPBank (2.06%), Agribank (1.84%), MBBank (1.64%), VietinBank (1.57%), BIDV (1.52%), BacABank (1.48%), ACB (1.48%), Vietcombank (1.2%).
2. Chỉ số bao phủ nợ xấu (LLR)
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu, Loan loss reserve (viết tắt LLR) là thước đo khả năng phòng thủ của ngân hàng trước rủi ro nợ xấu.
Công thức tính chỉ số LLR:
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu = (Dự phòng cụ thể + 0,75% dư nợ nhóm 1, 2, 3, 4) / Tổng dư nợ xấu
Nợ xấu là một vấn đề không thể tránh đối với các ngân hàng bởi chúng có thể gây tổn thất lớn nếu không có các biện pháp dự phòng ban đầu. Một nhiệm vụ bất khả kháng của các ngân hàng là tính toán và theo dõi tỉ lệ bao phủ nợ xấu để có thể kiểm soát tốt khả năng phòng thủ của mình.
Khi xảy ra nợ xấu, ngân hàng có thể nhanh chóng trích lập khoản dự phòng để bù đắp. Nhờ đó hoạt động kinh doanh của ngân hàng được đảm bảo diễn ra bình thường.
3. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, Return On Equity (viết tắt ROE) là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp.
Công thức tính chỉ số ROE:
ROE= (Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân) * 100%
Nghĩa là, cứ với 1 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì doanh nghiệp sẽ thu về bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Chỉ số ROE cao hay thấp chỉ mang tính tương đối và căn cứ vào mức độ trung bình của ngành nghề mà doanh nghiệp đó đang hoạt động. So với trung bình các doanh nghiệp trong ngành, chỉ số ROE càng cao thì chứng tỏ công ty đó sử dụng vốn hiệu quả.
4. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR)
Chỉ số chi phí trên thu nhập, Cost to Income Ratio (viết tắt CIR) thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó, là một chỉ tiêu xem xét mức độ quản trị hiệu quả của doanh nghiệp.
Công thức tính chỉ số CIR
CIR = Tổng chi phí hoạt động / Tổng doanh thu hoạt động
Trong đó:
Tổng doanh thu hoạt động = Thu nhập lãi thuần + Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ + Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối + (Lỗ)/Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh + Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư + Lãi thuần từ hoạt động khác + Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần.
5. Hệ số NIM
Hệ số biên lãi ròng, Net Interest Margin (viết tắt NIM) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, NIM phản ánh nỗ lực duy trì sự tăng trưởng của các nguồn thu (chính là lãi vay) so với mức tăng của khoản chi phí (chính là lãi tiền gửi) của có hiệu quả trong việc quản lý lãi suất không.
Công thức tính hệ số NIM
NIM = Thu nhập lãi thuấn / Tài sản sinh lãi
Hệ số NIM dương được đánh giá cao hơn NIM âm.
NIM >0: Thu nhập từ việc cho vay cao hơn tiền lãi mà ngân hàng phải trả, thường là trả lãi gửi tiết kiệm. Tức, dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang có lợi nhuận cao.
NIM <0: Tiền lãi phải trả của ngân hàng lớn hơn thu nhập từ việc cho vay, ngân hàng có thể bị thua lỗ.
Hệ số NIM cao hơn chưa chắc lợi nhuận sẽ cao hơn, có thể ngân hàng đang tập trung đầu tư vào một công cụ tài chính nào đó. NIM cao hơn chỉ thể hiện phản ứng của ngân hàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết hoạt động kinh doanh.
6. Tỷ lệ CASA
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, Current Account Savings Account (viết tắt CASA) là khoản tiền khách hàng chủ động gửi vào ngân hàng. Nó được dùng để thanh toán thường xuyên và được hưởng lãi suất thấp nhất (khoảng 0,1-0,5%) tính theo ngày.
Tỷ lệ CASA càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.
Công thức tính tỷ lệ CASA
CASA = (Tiền gửi không kỳ hạn + ký quỹ) / (Tổng tiền gửi + phát hành giấy tờ có giá)
Một ngân hàng có CASA cao nên cho thấy ngân hàng này có thể huy động được nguồn vốn rẻ lớn do đó chi phí giá vốn của ngân hàng này cũng rất thấp so với các ngân hàng khác cùng ngành.
7. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn
Công thức tính tốc độ tăng trưởng huy động vốn
Tốc độ tăng trưởng huy động vốn = (Số dư vốn huy động kỳ này/ Số dư vốn huy động kỳ trước – 1) x 100
Chỉ số này cho thấy rằng Nguồn vốn huy động tăng trưởng càng cao chứng tỏ trong kỳ ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp gia tăng năng lực huy động vốn, hay do uy tín của ngân hàng được nâng cao trên thị trường
8. Tốc độ tăng trưởng tín dụng
Hoạt động tín dụng là hoạt động mang lại nguồn thu nhập trong hiện tại và tương lai của ngân hàng, là chỉ tiêu quan trọng và thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Tổng tài sản
Công thức tính tốc độ tăng trưởng tín dụng
Tốc độ tăng trưởng tín dụng = (Dư nợ cho vay kỳ này / Dư nợ cho vay kỳ trước – 1) x 100
9. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR)
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, Capital Adequacy Ratio (CAR) là một chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.
Hiện nay, theo chuẩn mực Basel II được các hệ thống ngân hàng trên thế giới áp dụng phổ biến thì CAR là 8%.
Tỷ lệ CAR là chỉ tiêu quan trọng để đảm bảo rằng các ngân hàng có đủ đệm để hấp thụ một khoản lỗ hợp lý trước khi họ vỡ nợ và do đó mất tiền của người gửi tiền. Tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính của quốc gia bằng cách giảm nguy cơ ngân hàng mất khả năng thanh toán. Nói chung, một ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao được coi là an toàn và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng.
Tóm lại, các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp ngân hàng như: Chỉ số nợ xấu, chỉ số bao phủ nợ xấu, chỉ số ROE, chỉ số chi phí trên thu nhập, hệ số NIM, hệ số CASA, tốc độ tăng trưởng huy động vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn được chọn lọc và phân tích như trên là những tiêu chí quan trọng khi phân tích các doanh nghiệp ngân hàng.
NĐT cần tính toán kỹ lưỡng những chỉ số này để cân nhắc tình trạng quản trị rủi ro và mức hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.